Từ hiệu ứng nửa vời Công Phượng, người Hàn Quốc bây giờ đã chán ngấy cầu thủ Việt
Giải vô địch quốc gia Hàn Quốc (K.League 1) 2020 khai mạc vào ngày 29.2, nhưng đến giờ này không có đội bóng nào chiêu mộ được cầu thủ Việt Nam về thi đấu, dù rất kỳ vọng và tìm cách để “mở cửa”...
Ngay cả giải đấu hạng dưới (K.League 2), các đội Hàn Quốc cũng không có thương vụ chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam nào. Đây là thực tế đáng suy nghẫm, bởi bóng đá Việt Nam đã được biết đến rộng rãi và có ảnh hưởng tại Hàn Quốc, nhờ thành công của huấn luyện viên Park Hang-seo hơn 2 năm qua…
Hiệu ứng nửa vời của Công Phượng
K.League 1 bắt đầu vào Việt Nam ở mùa bóng 2016. Thời điểm đó, Incheon United thương lượng thành công để mượn 1 năm với tiền vệ Lương Xuân Trường từ Hoàng Anh Gia Lai. Bản hợp đồng đình đám với không ít kỳ vọng này, dù nói theo cách của bầu Đức thì là “du học” và “gả cưới, bởi Xuân Trường là cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên sau hơn 30 năm thi đấu tại hạng cao nhất của Hàn Quốc, kể từ sau thời của Piyapong (Thái Lan).
Xuân Trường giúp cầu thủ Việt Nam được biết đến nhiều hơn tại Hàn Quốc. Sau Incheon United, tiền vệ người Tuyên Quang tiếp tục khoác áo một đội bóng địa phương khác – Gangwon FC ở mùa bóng 2017. Dù thất bại khi không cạnh tranh được vị trí rồi phải được “giải cứu” bằng cách cho quay về V.League nhưng tiền đề mà Xuân Trường tạo ra cũng góp phần giúp Công Phượng được chào đón khi khoác áo Incheon United ở mùa bóng 2019.
Vì hiệu ứng Công Phượng và những tín hiệu từ Việt Nam, ban tổ chức K.League đã phá lệ tường thuật trực tiếp các trận đấu của đội bóng này trên trang chủ. Có thời điểm, vì được CĐV Việt Nam quan tâm cao nên trang chủ của K.League bị tê liệt. Ngoài ra, trang Naver Sports đã phát sóng trực tiếp các trận đấu của Incheon United để khán giả Việt Nam có thể theo dõi Công Phượng. Naver thậm chí còn cung cấp ứng dụng theo dõi trực tuyến có tên “V SPORTS”, cho phép các khán giả tại Việt Nam có cơ hội theo chân Công Phượng trên đất Hàn Quốc.
Và hiệu ứng lớn từ Công Phượng khiến ban tổ chức K.League đi đến quyết định mang tính “cách mạng”: Quyết định mở rộng hạn ngạch cho phép mỗi đội bóng được phép đăng ký một ngoại binh đến từ ASEAN (Đông Nam Á) từ mùa bóng 2020. Theo đó, tại K.League 2020 mỗi đội được đăng ký 5 ngoại binh (3 ngoại binh có quốc tịch bất kỳ, 1 ngoại binh đến từ các quốc gia là thành viên của LĐBĐ Châu Á, 1 ngoại binh đến từ các nước ASEAN).
Quy định đã chính thức được thông qua hơn 10 tháng, thế nhưng rất tiếc là đến lúc này, các đội K.League vẫn “ngó lơ” cầu thủ Việt Nam nói riêng cũng như cầu thủ Đông Nam Á nói chung. Hiệu ứng Công Phượng tạo ra chỉ mang tính nửa vời, nhất là thực tế ngôi sao này phải rời Incheon United chỉ sau nửa mùa 2019 mà gần như không để lại bất cứ dấu ấn nào, trừ mảng truyền thông, hình ảnh quảng bá.
Ảnh hưởng lớn của huấn luyện viên Park Hang-seo với tư cách đại sứ thúc đẩy mối quan hệ giữa 2 nước chứ không chỉ bóng đá, không giúp được cho các học trò. Tại Hàn Quốc, tên của ông cùng đội tuyển Việt Nam nằm trong số những “từ khóa” được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2019 với những thành tích nổi bật cùng bóng đá Việt.
Vì đâu nên nỗi?
“Do hoàn cảnh, mỗi đội bóng tại Hàn Quốc hoạt động với một khoản ngân sách eo hẹp. Do đó, thị trường cầu thủ Đông Nam Á không hấp dẫn với họ. Dù trình độ được rút ngắn hơn so với trước, khoảng cách giữa bóng đá Hàn Quốc và Đông Nam Á vẫn còn khá xa”, tờ Best Eleven (Hàn Quốc) giải thích một phần lý do K.League không chiêu mộ cầu thủ Việt Nam cũng như Đông Nam Á ở mùa 2020.
Xuân Trường từng được Incheon United mượn với giá 300.000 USD ở mùa 2016, con số dành cho Công Phượng cũng không thấp hơn. Thực tế giá cầu thủ Việt Nam lẫn Đông Nam Á không phải rẻ. Mới đây, tiền đạo Rafawi Rasid (Malaysia) được định giá 2 triệu USD nếu chuyển nhượng ra nước ngoài. Theo Best Eleven, với số tiền đó, các đội Hàn Quốc sẽ chiêu mộ một cầu thủ ở các nền bóng đá phát triển chứ không mua cầu thủ Đông Nam Á, bởi ngoại binh luôn đóng vai trò cực lớn.
Và phải nhấn mạnh rằng, cả Xuân Trường lẫn Công Phượng đều không để lại ấn tượng đặc biệt về chuyên môn trong thời gian thi đấu ở Hàn Quốc. Xuân Trường chỉ chơi 6 trận cho Incheon United lẫn Gangwon FC tại K.League 1. Với Công Phượng, anh thi đấu 8 trận cho Incheon United nhưng không ghi được bàn nào… nhìn chung, những cầu thủ được coi là hay nhất, tiềm năng nhất của bóng đá Việt chưa thể khẳng định, thuyết phục các đội K.League.
Từ thực tế của Công Phượng lẫn Xuân Trường cho thấy, cầu thủ Việt Nam vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục, cải thiện nếu muốn đến Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc bất cứ quốc gia nào để phát triển sự nghiệp. So sánh với Thái Lan, việc xuất ngoại của các tuyển thủ Việt Nam còn nhiều vấn đề.
Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, tiền đạo Piyapong của Thái Lan đã thi đấu cùng ông Park Hang-seo để vô địch quốc gia Hàn Quốc 1985 cùng đội Lucky-Goldstar FC (tiền thân của FC Seoul). Bản thân cựu danh thủ Thái Lan cũng đoạt luôn danh hiệu Vua phá lưới, nằm trong đội hình tiêu biểu của giải. Đối với giải vô địch quốc gia Nhật Bản, cầu thủ Thái Lan cũng thành công hơn hẳn Việt Nam.
Hậu vệ Theerathon Bunmathan với vô địch J.League 2019 cùng Yokohama F. Marinos. Đội bóng Nhật Bản mới đây quyết định bỏ ra hơn 1,2 triệu USD để mua đứt từ Muangthong United. Ngoài ra, Chanathip Songkrasin cũng nằm trong số những tiền vệ tấn công hay nhất J.League trong màu áo Consodale Sapporo. Và mới nhất, lão tướng Dangda cũng được mời qua Nhật thi đấu…
Theo Laodong.vn